Vợ Ơi, Anh Là Trịnh Bình

Chương 2



Bố mẹ chồng cũng không có ý kiến, thậm chí còn đặc biệt làm món trứng hấp tẩm bổ chờ tôi tỉnh dậy ăn.

 

Trịnh Bình mấy lần lén lút vào phòng ngó chừng, nhưng lần nào cũng bị mẹ chồng kéo ra ngoài.

 

 
 

Cửa phòng khép hờ, tôi nghe thấy mẹ chồng đứng ngoài mắng con trai:
“Thục Hoa mang thai mà mày cũng không biết? May mà hôm nay nó chịu về đây, nếu nó ôm bụng đi lấy chồng khác, chẳng phải hạt giống nhà họ Trịnh lại để người ta cướp đi à?”

 

Bà ta còn khuyên Trịnh Bình nên thành thật nói rõ mọi chuyện, ở lại thành phố làm người tử tế mà sống.

 

Nhưng Trịnh Bình lại tức tối:
“Người con thích từ đầu đến cuối đều là Hàn Yến Yến ở nhà bên. Nếu hồi đó không phải nhà mình nghèo, mẹ Yến Yến chê con ra mặt, con đời nào phải hạ mình đi theo đuổi Trương Thục Hoa.”

 

Hắn cười khẩy:
“Mẹ yên tâm, Trương Thục Hoa chẳng qua là hổ giấy thôi. Cô ta mềm nắn rắn buông, dễ dỗ lắm. Chỉ cần chiều chuộng để cô ta sinh xong đứa bé, cả đời này cô ta cũng đừng hòng rời khỏi nhà họ Trịnh.”

 

Hắn còn tự tin khoe khoang, nói rằng nhờ có thế lực của bố mẹ tôi, sau này cơ hội thăng tiến của hắn sẽ nhiều vô kể.
Lần này trượt mất suất ở Sở tỉnh cũng chẳng sao, chỉ cần quay về, cửa vẫn mở rộng đón hắn.

 

“Con giữ cô ta lại không phải vì mấy đồng lương hay phiếu thực phẩm đâu. Tầm nhìn mà nông cạn như thế thì con còn tính toán làm gì.”
“Chờ khi cô ta mềm lòng, chưa biết chừng con còn có thể để cô ta làm tình nhân nữa kìa.”

 

Tôi nghe mà muốn nôn, phải cố hết sức mới nhịn được. Giả vờ ngủ say, nhưng trong lòng ghê tởm không để đâu cho hết.

 

Hôm sau, Trịnh Bình vác đống hành lý lớn, cùng Hàn Yến Yến lên đường.
Trước khi đi, hai đứa còn nắm tay tới trước mặt tôi khoe khoang:

 

“Chị dâu, lần sau bọn em về nhất định sẽ mời chị uống rượu mừng.”
“Chị cứ yên tâm, chỉ cần sinh hạ đứa bé, nhà họ Trịnh tuyệt đối không bạc đãi chị đâu.”
“Dù gì cũng là cốt nhục của anh trai em, em sẽ coi đứa bé như con ruột mà thương yêu.”

 

Tôi chỉ cười lạnh, chúc họ lên đường bình an.

 

Nhưng chưa đầy một tháng sau, Trịnh Bình đã liên tục gửi thư về đòi tiền.

 

Nhân lúc bố mẹ chồng không có nhà, tôi lén đọc trộm.
Trong thư, hắn than vãn sống ở nông thôn bị bắt nạt, không có tiền thì chẳng ngóc đầu lên nổi. Hắn đòi bố mẹ gửi tiền, còn yêu cầu gửi thêm đặc sản thành phố để lấy lòng đội trưởng.

 

Nực cười nhất là hắn còn liệt kê đủ loại xà phòng, kem dưỡng da, toàn là đồ dùng cho phụ nữ những thứ cả đời bố mẹ chồng còn tiếc không dám mua.

 

Mỗi lá thư là một danh sách dài dằng dặc, như thể hắn đang điều phối nguyên cái kho hàng.

 

Bố mẹ chồng nhận thư mà ăn không ngon, ngủ không yên.
Ba đồng năm đồng còn cố chắt chiu xoay xở, thắt lưng buộc bụng gửi cho hắn được, chứ kiểu vài ngày một lần như thế thì có bán cả nhà cũng chẳng kham nổi.

 

Trước đó lo ma chay đã vay mượn khắp nơi, giờ họ chỉ còn cách dòm ngó đến tôi.

 

Công khai mở miệng xin tôi, nhưng tôi không cho. Mẹ chồng liền nhân lúc tôi đi làm lén lút lục lọi tủ quần áo, định lấy đồ của tôi gửi cho Trịnh Bình.

 

Nhưng tôi đã sớm đề phòng.
Kem dưỡng da tôi đã thay bằng mỡ heo từ lâu, mấy bộ quần áo đẹp cũng mang hết về nhà mẹ đẻ, chỉ để lại mấy bộ cũ, ít mặc tới.
Ngay cả những bộ ấy, tôi cũng không để bà ta dễ dàng mang đi được nguyên vẹn tôi đã cắt sẵn vài đường nhỏ bên sườn áo, nhìn qua chẳng ai phát hiện.

 

Mẹ chồng biết tôi được nhà ngoại cho một chiếc đồng hồ nữ đắt tiền, lúc cưới Trịnh Bình còn khoe khoang là đáng giá mấy chục đồng.
Bà ta tìm khắp nhà không thấy, cuối cùng đành giả vờ ngọt nhạt:
“Con dâu à, mẹ lớn tuổi hay quên, cho mẹ mượn cái đồng hồ đeo một thời gian đi. Đổi lại mẹ sẽ lo cơm nước chu toàn, để con đi làm về là có cơm nóng canh ngon ăn ngay.”
Bà ta còn hỏi khéo tiền lương tháng này của tôi, muốn tôi đưa bà ta giữ hộ.

 

Tôi không nói gì trước mặt, nhưng hôm sau tan làm, tôi cố tình đi từ đầu hẻm tới cuối hẻm mà khóc ầm lên, khiến hàng xóm ai nấy đều chạy ra hóng chuyện.

 

“Chồng tôi còn chưa qua thất đầu, mà mẹ chồng đã nhòm ngó đến của hồi môn của tôi.”
“Cái đồng hồ cưới ai cũng biết, vậy mà bà ta muốn tôi đưa cho để Trịnh An đem đi tán gái. Nhưng trời biết đất biết, chiếc đồng hồ đó tôi đã bỏ vào quan tài chôn cùng Trịnh Bình rồi.”

 

Tôi vừa khóc vừa nói, kể lể rằng không dám về nhà họ Trịnh vì sợ mẹ chồng làm khó dễ.

 

Hàng xóm nghe vậy thì phẫn nộ, nhất là mấy bà vốn chẳng ưa gì mẹ chồng tôi, lập tức đứng ra bênh vực.
Họ quây bà ta lại, mắng chửi suốt gần một tiếng đồng hồ.

 

Bị ép đến nước này, mẹ chồng cuống quýt chối cãi, nói mình chưa từng có ý định lấy đồ của tôi cho Trịnh An.

 

Tôi cũng chẳng khách sáo, mở toang tủ quần áo ngay trước mặt mọi người, chỉ vào đống đồ cũ nát còn sót lại, nước mắt lưng tròng:
“Mẹ ơi, mấy món này mẹ đã lục lọi lấy đi bao nhiêu, gửi cho ai thì tự mẹ biết. Nghĩ tình nghĩa mẹ con, tôi chẳng hề trách móc nửa câu. Nhưng mẹ không thể vừa lấy đồ của tôi, vừa mơ tưởng đến cả tiền lương của tôi. Rốt cuộc, trong mắt mẹ, tôi là gì đây?”

 

Tôi lại lật luôn mấy bức thư Trịnh Bình gửi về đòi tiền, nói trắng ra rằng mẹ chồng muốn tôi đưa tiền cũng chỉ để gửi cho hắn tiêu xài.

 

Lời vừa dứt, xung quanh càng thêm bức xúc:
“Đẻ con vô dụng thì tự chịu, sao lại bắt con dâu góa chồng nai lưng ra nuôi cả nhà?”
“Tưởng nhà họ Trịnh đón dâu về để phụng dưỡng hương hỏa, ai ngờ là toan tính để cô ấy gánh vác hết cả cái nhà này.”
“Thôi thôi, cô còn trẻ, sớm đoạn tuyệt đi là vừa. Về nhà mẹ đẻ mà sống cho yên thân.”
“Cái chuyện thủ tiết ba năm gì đó xưa rồi. Có người tử tế thì lấy chồng khác đi, đừng để bọn họ hút máu nữa.”

 

Thấy tình hình thuận lợi, tôi cũng thuận thế thu dọn đồ đạc định bỏ đi.

 

Mẹ chồng sợ đến mức vội vàng túm chặt lấy cánh tay tôi:
“Cô không thể đi! Cô đang mang cốt nhục của nhà họ Trịnh trong người đấy!”

 

Lời này vừa thốt ra, ánh mắt mọi người đồng loạt đổ dồn về phía tôi, đầy thương hại.

 

Trong mắt họ, một người phụ nữ đã có con thì giống như cái cây cắm rễ trong bùn, muốn rút lên cũng không dễ dàng gì.
Mấy câu khuyên tôi bỏ đi lập tức nghẹn lại, không ai nói nổi nữa.

 

Mẹ chồng nhìn thấy thế, trên mặt cũng nở nụ cười đắc ý.

 

 
 

Bà ta nói muốn giữ đồng hồ và tiền lương hộ tôi là vì sợ tôi trẻ người non dạ, tiêu xài hoang phí, sau này thiệt thòi cho con.
Thấy tôi còn ấm ức, bà ta lại làm bộ làm tịch dỗ dành, tiện tay giật lấy bọc đồ trong tay tôi.

 

Hàng xóm thấy vậy cũng lục tục chuẩn bị giải tán.
Đúng lúc đó, tôi bất ngờ ngả người ra sau, ngã phịch xuống đất.

 

Trong ánh mắt kinh hãi của mẹ chồng, tôi ôm bụng kêu lên thảm thiết:
“Mẹ, sao mẹ lại đẩy con?”
“Bụng con đau quá… mẹ muốn lấy mạng hai mẹ con con sao?”

 

Mẹ chồng hoảng hốt, cuống cuồng lao tới đỡ tôi, nhưng tôi né tránh, không cho bà ta chạm vào.
Vừa khéo, có người trong xóm làm chung cơ quan với bố tôi, lập tức chạy đi báo tin.

 

Lúc hàng xóm đỡ tôi dậy, mặt đất nơi tôi ngã đã loang lổ vết máu đỏ thẫm.
Bố tôi tới rất nhanh, chẳng kịp quát mắng mẹ chồng đã vội bế tôi vào bệnh viện.

 

Mọi người đứng lại tiếp tục chửi rủa mẹ chồng không tiếc lời.

 

Không ngoài dự đoán, chuyện tôi sảy thai nhanh chóng lan khắp xóm.

 

Mẹ chồng lập tức trở thành kẻ tội đồ, còn tôi thì thuận thế rời khỏi nhà họ Trịnh mà không ai dám ngăn cản.

 

Khi bố mẹ tôi quay lại thu dọn đồ đạc, còn tiện thể mắng cho nhà họ Trịnh một trận ra trò.

 

Nhưng ngoài bố mẹ và bác sĩ Tôn ra, chẳng ai biết chuyện sảy thai đó chỉ là màn kịch tôi dựng lên.
Tôi hiểu rõ lòng dạ nhà họ Trịnh, muốn rời khỏi đó một cách yên ổn, chỉ có cách lấy chuyện con cái ra làm cái cớ.

 

Bác sĩ Tôn là bạn cũ của mẹ tôi, sẵn sàng phối hợp diễn trò.
Máu me dưới đất cũng chỉ là máu gà tôi chuẩn bị sẵn từ trước.

 

Tôi lấy cớ dưỡng bệnh, về nhà mẹ đẻ tĩnh dưỡng một tháng, sau đó quay lại đơn vị làm việc.
Đúng lúc đơn vị đang vào mùa vụ, cần cử người xuống nông thôn hỗ trợ.
Tôi có tên trong danh sách, địa điểm lại trùng hợp chính là thôn mà Trịnh Bình và Hàn Yến Yến đang sống.

 

Thật trùng hợp, cũng thật vừa ý tôi.

 

Tôi rất muốn biết, cặp “trai tài gái sắc” đó đang sống cuộc “thần tiên” như thế nào.

 

 
 

6

 

Lần tái ngộ sau hai tháng, Trịnh Bình trông như biến thành người khác.

 

Gương mặt từng trắng trẻo giờ sạm đen vì nắng.
Quần áo trên người vá chằng vá đụp, ống quần ngắn cũn cỡn để lộ cả mắt cá chân, nhìn qua là biết mặc đồ của người khác.

 

Khi tôi bất ngờ xuất hiện, hắn tưởng mình hoa mắt.
Đến khi xác nhận là thật, mắt hắn ánh lên niềm vui mừng, lưng thẳng tắp lên ngay tức thì.

 

Lúc lao động, ai nấy đều cắm đầu làm việc, chỉ có hắn là vênh váo, hết chỉ huy người này lại dạy bảo người kia.

 

“Trịnh Bình, hôm nay cậu uống nhầm thuốc à? Không làm việc của mình lại còn đứng chỉ tay năm ngón?”
“Cậu nghĩ cậu cũng là cán bộ kỹ thuật à? Đủ tư cách không?”

 

Có người không nhịn nổi, buông lời mỉa mai.
Nhưng Trịnh Bình chẳng những không tức, còn hùng hổ cãi lại:
“Lý Vệ Dân, mày đừng có mà vênh váo. Bao nhiêu chuyện trước đây tao còn chưa tính sổ với mày đâu.”
“Không ngại nói thật, tao tuy không phải chỉ đạo viên, nhưng tao có cách khiến mày sống dở chế//t dở.”

 

Hắn chỉ về phía tôi, lớn tiếng khoe khoang:
“Thấy người kia không? Đó là chị dâu tao đấy.”

 

Hắn lấy danh nghĩa của tôi ra hù dọa đám thanh niên trí thức và mấy nông dân nhút nhát, ép họ phải làm việc thay mình.
Nếu không, hắn sẽ bảo tôi giở trò với ruộng đất của họ, khiến họ trắng tay.

 

Không mất bao lâu, có người đã mách chuyện này với đội trưởng.

 

Đội trưởng tìm tôi xác minh.
Tôi thẳng thắn kể lại mọi chuyện tôi từng trải qua ở nhà họ Trịnh, chốt hạ một câu:
“Tôi đã cắt đứt mọi quan hệ với nhà họ Trịnh, sau này cũng không bao giờ liên quan gì nữa.”

 

Thái độ rõ ràng dứt khoát của tôi khiến đội trưởng thở phào.
Ông nói, vốn rất sợ đám trí thức như chúng tôi giở trò sau lưng, giờ nghe tôi nói thế mới yên tâm.

 

Ông cũng kể cho tôi nghe những gì Trịnh Bình và Hàn Yến Yến đã gặp phải trong suốt thời gian qua.

 

Thì ra, ở làng này có mấy kẻ đầu trâu mặt ngựa thường xuyên gây rối, bắt nạt thanh niên trí thức.
Mà Trịnh Bình với Hàn Yến Yến từ lúc về nông thôn thì đã luôn kiêu ngạo, coi khinh dân quê, lười làm mà cứ quanh quẩn ôm ấp nhau.

 

Đám côn đồ thấy chướng mắt, bèn vin vào lý do Trịnh Bình “có vấn đề về thành phần” để ra tay dằn mặt.
Chúng thường xuyên trùm bao tải lên đầu hắn, nhắm chỗ hiểm mà đánh, lại còn ép hắn mỗi tuần phải nộp tiền và phiếu lương thực.

 

Ngay cả Hàn Yến Yến cũng không tránh khỏi bị chúng sàm sỡ.
Bị chèn ép như vậy nên Trịnh Bình mới liên tục viết thư về nhà đòi tiền.

 

Nhưng càng nhún nhường, đám côn đồ đó lại càng làm tới.

 

Đội trưởng nói đã nắm được bằng chứng, sắp tới sẽ xử lý bọn chúng.
Tuy nhiên, chuyện Trịnh Bình lợi dụng danh nghĩa của tôi để dọa nạt người khác cũng không thể bỏ qua.

Chương trước Chương tiếp
Loading...